Năm Khang Hy đời nhà Thanh, ở Giang Nam xuất hiện một thầy thuốc mới 14 tuổi đã treo biển hành nghề y, ông chính là Diệp Thiên Sĩ được nhân dân lúc ấy gọi là “Thiên Y Tinh".
Diệp Thiên Sĩ là người Giang Tô, sinh năm Khang Hy thứ 6 triều Thanh (năm 1667). Ông nội và cha ông đều là thầy thuốc, Diệp Thiên Sĩ từ nhỏ xem cha khám bệnh kê đơn cho nên ông rất say mê y học. Dưới sự chỉ dẫn của cha, Diệp Thiên Sĩ đã đọc rất nhiều sách y dược. Năm ông lên 14 tuổi chẳng may cha ông mất sớm, ông nối nghiệp cha làm nghề y.
Lúc đầu mọi người rất ngần ngại đối với vị thầy thuốc thiếu niên này, nhưng chẳng bao lâu y thuật của ông ta đã thuyết phục được mọi người, người mời ông khám bệnh cũng tăng dần. Nhưng Diệp Thiên Sĩ cũng biết mình y đạo hãy còn nông cạn, chữa các bệnh thông thường còn có thể được nhưng đối với các bệnh phức tạp thì gặp khó khăn, cho nên ông muốn tìm một danh y học thêm.
Một hôm có mấy sai dịch trên đường từ huyện Ngô về kinh đô, trong số đó đột nhiên có một người đổ bệnh nên đã tìm đến Diệp Thiên Sĩ để khám chữa bệnh. Diệp Thiên Sĩ sau khi khám xong nói với viên sai dịch rằng: “Bệnh của ông là do gặp phong hàn, uống hai liều thuốc này sẽ khỏi. Nhưng nhìn vào lưỡi của ông, chẳng bao lâu nữa ông sẽ bị một bệnh nặng, bệnh đái tháo. Nhưng tôi không chữa được bệnh này, chỉ có thể nói trước tình hình như vậy".
Viên sai dịch nghe nói rất hoang mang, bèn nói lại những nhận xét đó với đồng nghiệp, các đồng nghiệp của ông ta khuyên: “Ông thầy trẻ con đó dọa cạu đấy, đừng tin những lời nó nói".
Viên sai dịch uống hai liều thuốc quả nhiên bệnh đã khỏi và tiếp tục lên đường đi kinh thành. Trên đường đi, ông ta nghe mách có một vị hòa thượng y thuật cao cường nên đã đến nhờ ông ta khám xem có đúng là ông ta sẽ bị bệnh nặng không.
Hòa thượng xem mạch cho ông ta xong rồi nói: “Hiện nay anh không có bệnh, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ bị bệnh đái tháo".
Viên sai dịch nghe thấy kết quả khám hôm nay cũng giống như những điều Diệp Thiên Sĩ nói nên rất lo, và van xin hòa thượng cứu giúp. Lao Hòa thượng nói: “Bệnh này muốn chữa cũng rất dễ, ngươi đi mua một rổ lê, mang theo trong người, chờ khi nào có bệnh thì ăn liên tục hết chỗ lê này, ăn cho đến khi đến kinh thành thì sẽ khỏi".
Sau đó, quả nhiên viên sai dịch bị bệnh đái tháo, nghe theo lời hướng dẫn của hòa thượng, ông đã ăn lê liên tục và đúng vậy, bệnh tình đã hết hẳn. Ít lâu sau, viên sai dịch đó lại trở về huyện Ngô, đem chuyện Hòa thượng chữa bệnh đái tháo kể cho Diệp Thiên Sĩ nghe, Diệp Thiên sĩ vô cùng khâm phục trong lòng liền nảy ra ý định tìm hòa thượng để học thêm.
Nhưng Diệp Thiên Sĩ lại lo, vị hòa thượng ấy cũng hành nghề như mình, e rằng ông ta sẽ không nhận mình làm học trò. Suy đi tính lại, cuối cùng ông nẩy ra một cách mới là đổi tên để đi học.
Lão hòa thượng thấy Diệp Thiên Sĩ thành tâm học y nên đã nhận làm đệ tử. Nhưng lâu ngày rồi, việc Diệp Thiên Sĩ am hiểu y học cũng bị bại lộ, cuối cùng Diệp Thiên Sĩ cũng nói rõ sự thật của mình với hòa thượng.
Lúc đó, chuyện Diệp Thiên Sĩ mới 14 tuổi đã hành nghề y, lan khắp Giang Nam. Lão hòa thượng cảm thấy để Diệp Thiên Sĩ làm học trò không yên tâm, sợ sau này giữa thầy và trò khó xử. Nhưng Diệp Thiên Sĩ một mực khẳng định lão hòa thượng lúc nào cũng là thầy của mình, nên lão hòa thượng rất cảm kích và truyền đạt hết những kinh nghiệm cũng như các bài thuốc hay tích lũy cả đời ông cho Diệp Thiên Sĩ.
Và như thế, Diệp Thiên Sĩ cũng biết được mỗi vị danh y đều có bí quyết riêng, nên ông bằng mọi cách tìm thầy học hỏi. Trong mười năm, ông đã đi tìm học được mười bảy vị danh y, nhờ đó y thuật của ông ngày một nâng cao.