TÊN KHOA HỌC
Scrophularia oldhamii Oliv
THỔ SẢN
Trung Quốc trồng nhiều ở Triết Giang và Hàng Châu.
Việt Nam đã đi thực và nay phát triển nhiều nơi.
BỘ PHẬN DÙNG
Rễ (củ) lấy vào mùa thu và mùa đông.
TÍNH VỊ - QUY KINH
Vị đắng, hơi mặn, tính hàn vào 2 kinh phế và thận.
TÁC DỤNG
Tư âm, giáng hỏa trừ phiền, chỉ khát giải độc, lợi yết hầu nhuận táo, hoạt trường. Dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yết hầu sưng đau, tràng nhạc, táo bón, bổ thận thuỷ, sáng mắt.
Sách Lý Thời Trán ghi: Huyền sâm chữa khỏi ban ngứa, mát cổ họng, lợi tiểu tiện và thông huyết trệ.
Sách của Trần Tu Viên dời Thanh ghi: Những sản phụ khi đẻ xong thường có chứa thoát huyết, âm suy hỏa không chế được, nếu chữa bằng các vị hàn lương thì sợ thương trung cho nên phải dùng Huyền sâm thanh mà lại bổ. Nó là vị thuốc cần thiết chữa sản hậu.
KIÊNG KỴ
Phàm các chứng âm hư không nóng và tỳ hư tiết tả không được dùng.
Kỵ đồ đồng.
LIỀU DÙNG
Liều dùng 10-12g dưới dạng thuốc sắc.
1. Bài "Tăng dịch thừa khí thang"
Công dụng dưỡng tâm, tăng dịch thanh nhiệt, thông tiện. Dùng chữa bệnh truyền nhiễm sốt cao gây táo bón, mất nước (âm hư): Huyền sâm 40g, Mạch môn 32g, Sinh địa 32g, Đại hoàng 12g, Mang tiêu 6g.
Cách dùng: Cho vào 8 chén nước, sắc còn 3 chén. Đầu tiên uống 1 chén, nếu chưa kết quả uống tiếp tục chén khác.
2. Chữa chứng loa lịch dùng: Huyền sâm, Bối mẫu, Bạc hà, Hạ khô thảo, Liên kiều, Cát cánh, Qua lâu căn. Sắc uống.
3. Chữa chứng tích nhiệt ở tam tiêu dùng: Huyền sâm, Hoàng liên, Đại hoàng mỗi vị 40g tán nhỏ luyện với mật viên bằng hạt ngô uống mỗi lần 30 viên với nước. Trẻ em viên bằng hạt thóc.
4. Chữa lở mũi dùng Huyền sâm tán nhỏ thổi vào hay ngâm Huyền sâm cho mềm nhét vào lỗ mũi.
5. Chữa chứng đồng tử mắt có tia đỏ dùng Huyền sâm tán nhỏ nấu cháo gan lợn với gạo nếp ngày ngày trộn bột Huyền sâm ăn.
6. Viêm họng, viêm amidan: Huyền sâm 10g, Mạch môn đông 8g, Cát cánh 5g, Thăng ma 3g, Cam thảo 3g. Sắc uống chia nhiều lần uống trong ngày và làm thuốc súc miệng.