Đây là loại ung thư hay gặp nhất ở nam giới, sau ung thư phổi. Nhiều nhà khoa học cho rằng đây là bệnh của sự no đủ, do ăn quá nhiều thịt và chất béo. Các thống kê cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng ở châu Á đang tăng nhanh cùng với sự tăng cao mức sống.
Tiên lượng của ung thư đại tràng phụ thuộc vào việc phát hiện được bệnh sớm hay muộn. Nếu phẫu thuật sớm khi bệnh chưa di căn sang cơ quan khác trong cơ thể, thì kết quả sẽ khả quan.
Thông thường khối u xuất phát từ thành của lòng ruột; từ từ phát triển, sau khoảng vài năm sẽ thành ung thư. Lúc đó, khối u thường lớn hơn 2cm. Thông thường, ung thư phát triển qua tình trạng bướu ruột (polyp). Bệnh cũng có yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng thì con cái, anh chị em ruột cũng có khả năng mắc.
Có những người bỗng nhiên thấy trên niêm mạc đại tràng của mình xuất hiện nhiều bướu kiếu polyp. Polyp có thể có cuống hoặc không, phát triển nhanh, chiếm phần lớn niêm mạc đại tràng. Điển hình là căn bệnh có tên bệnh polyp có tính chất gia đình, được gọi là polyp gia đình; phần lớn bệnh nhân sẽ chết vì ung thư đại tràng ở tuổi 35 - 40 nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khi polyp chưa thành ung thư.
Ngoài ra, người bị viêm đường ruột như bệnh viêm đại tràng có loét... cũng dễ bị ung thư đại tràng. Những người bị ung thư vú, tử cung cũng dễ bị ung thư đại tràng hơn và ngược lại.
Ở giai đoạn sớm, triệu chứng bệnh thường không rõ, người bệnh bị đau bụng nhẹ, cũng có khi bị trướng hoặc đầy, đau tức bụng trước hoặc sau khi ăn. Triệu chứng thường gặp và có giá trị chẩn đoán là đi ngoài ra máu, nhất là những người ở tuổi 40 - 50. Tuổi này thường bị rối loạn đại tiện, có ngày bị táo bón, có ngày lại bị đi lỏng kiểu tiêu chảy. Nên nhớ là chảy máu của ung thư đại tràng rất ít và “kín đáo”; nhưng nếu kéo dài, người bệnh sẽ bị thiếu máu, cảm thấy mệt mỏi, khó thở.
Theo khuyến cáo mới của Hội ung thư Mỹ, cả nam lẫn nữ nên đi khám bệnh tổng hợp hằng năm từ tuổi 50. Muốn phát hiện sớm ung thư, cần thử phân xem có chảy máu kín đáo không. Đây là triệu chứng sớm giúp chẩn đoán bệnh.
Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư đại tràng hoặc bản thân mình cũng bị ung thư vú, ung thư tử cung, thì nên xin được khám xét về ung thư đại tràng. Đơn giản thì làm nội soi trực tràng, đại tràng chậu hông, khi cần mới làm nội soi cá đại tràng.
Về điều trị, phẫu thuật là phương pháp cơ bản. Trên thực tế, chưa có loại thuốc nào kể cả Tây y và Đông y được công nhận là có tác dụng với bệnh này. Tỷ lệ sống được 5 năm sau mổ là 90% nếu ung thư còn trong lòng ruột, 50% nếu ung thư đã ăn qua thành ruột, chưa ăn vào hạch, còn 30% khi u đã ăn vào hạch và 10% nếu đã di căn vào tạng.
Những trường hợp sau không nên mổ: tuổi đời quá cao, hơn 80 - 90 tuổi; sức khỏe suy sụp, quá yếu; có những bệnh lý tim, phổi hoặc gan; ung thư đã di căn tới một số cơ quan khác, có di căn hoặc cổ trướng.
Sau mổ, bệnh nhân phải dùng thuốc từ 6 tháng đến 1 năm.
Triệu chứng lâm sàng của ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường không đặc hiệu, nên rất dễ nhầm với viêm đại tràng hoặc kiết lỵ. Hầu hết, bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã bị các biến chứng như tắc ruột, chảy máu ồ ạt, di căn.
Bệnh ung thư đại tràng khá phổ biến ở Việt Nam, đứng thứ 2 sau ung thư dạ dày và ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 40 - 60, nam nhiều hơn nữ. Ung thư đại tràng phát triển theo 3 loại chính là loại gây chít hẹp, gây u sùi và loại phát triển trong thành đại tràng.
Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn còn là ẩn số, xong nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh. Ngoài ra, có một vài bệnh lý liên quan như bệnh đa polip có tính chất gia đình, viêm loét đại tràng kéo dài, các loại u tuyến lành tính, nhất là u nhung mao.
Trong giai đoạn sớm, bệnh ung thư đại tràng chỉ có biểu hiện:
- Đau bụng âm ỉ, đôi khi thành cơn, thường giảm đau khi trung tiện được.
- Đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón có máu nhầy nên dễ nhầm bệnh với kiết lỵ, hoặc viêm đại tràng mạn. Đôi khi phân táo, áp dụng các biện pháp điều trị nhưng không đỡ.
Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu hiện nay là phẫu thuật. Tiên lượng sẽ tốt hơn nếu phát hiện bệnh sớm, kết hợp mổ cắt đoạn đại tràng cùng với khối u và lấy bỏ những hạch vùng thì tiên lượng tốt. Ngoài ra, có thể kết hợp với điều trị hóa chất tùy thuộc vào loại tế bào ung thư. Như vậy, tỷ lệ sống là trên 5 năm. Sau điều trị phẫu thuật và hóa chất, cần tiếp tục theo dõi lâu dài để phòng ung thư tái phát. Kiểm tra soi đại tràng định kỳ là việc cần thiết.
- Khi nghi ngờ bị ung thư đại tràng, thì cần phải chụp đại tràng có cản quang hay nội soi đại tràng, giúp chẩn đoán xác định và biết được vị trí khối u.
Chụp đại tràng có cản quang là kỹ thuật chụp bằng cách bơm vào đại tràng qua hậu môn một chất có tên là Baium, có tính cản quang. Chính chất này làm cho hình ảnh đại tràng trở nên rõ nét hơn, khối u được thấy dễ dàng hơn.
- Soi đại tràng là một phương pháp mà người bác sĩ nội soi dùng một loại ống soi mềm (có thể bẻ cong được) đưa vào hậu môn nhằm mục đích quan sát bên trong lòng đại tràng. Phương pháp soi đại tràng thường chính xác hơn là chụp đại tràng có cản quang, đặc biệt trong việc phát hiện ra những polyp nhỏ.
Nếu trong lúc nội soi bác sĩ phát hiện thấy có polyp thì bác sĩ sẽ cắt polyp đi và đem gửi phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát polyp dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư. Đa số các polyp được cắt bỏ đi khi nội soi thường là lành tính, có một số ít là tiền ung thư. Cắt bỏ các polyp tiền ung thư là nhằm phòng ngừa phát triển thành ung thư đại tràng từ những polyp này.
Nếu ung thư tìm thấy trong lúc nội soi, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ (sinh thiết) và quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán xác định. Nếu đã chẩn đoán được ung thư đại tràng, phân chia giai đoạn ung thư được thực hiện để xem ung thư đã xâm lấn đến các cơ quan khác hay chưa. Vì ung thư đại tràng có xu hướng lan đến phổi và gan. Các xét nghiệm giúp phân chia giai đoạn thường sử dụng là: chụp X-quang phổi, siêu âm bụng, hay chụp CT scan phổi, gan, và bụng.
Đôi lúc bác sĩ cũng cần phải làm xét nghiệm CEA trong máu. CEA là một chất được tế bào ung thư sản xuất. Chất này tăng cao ở bệnh nhân bị ung thư đại tràng, đặc biệt là khi ung thư đã di căn.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết, họ đã tìm ra cách chẩn đoán sớm bệnh ung thư đại tràng mà không hề gây đau đớn cho người bệnh. Xét nghiệm dựa vào sự hiện diện của một lượng hết sức nhỏ các gene gây ung thư trong phân. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới trong chẩn đoán sàng lọc ung thư đại tràng.
Hiện tại, để phát hiện các ca ung thư loại này, bác sĩ thường phải tìm máu trong phân người bệnh. Thứ nghiệm có thể phát hiện sớm bệnh ung thư đại tràng nhưng lại bỏ qua một số dạng ung thư, với nhiều ca dương tính giả (người không có bệnh bị chẩn đoán nhầm là có bệnh).