Polyp là những khối u nhỏ lồi vào lòng ống tiêu hóa. Có thể tìm thấy polyp phát triển ở thực quản, dạ dày, ruột non, nhưng gặp nhiều nhất là ở đại tràng. Theo hình dạng, người ta phân biệt: polyp có cuống và polyp không cuống. Theo tổ chức học người ta chia ra thành 2 loại: polyp ác tính và polyp lành tính. Polyp lành tính có adenoma, polyp tăng sản, polyp do viêm, juvenile polyp.
Polyp tăng sản: trên nội soi là những polyp nhạt màu, không cuống và thường nhỏ dưới 5mm, loại polyp này sinh thiết lành tính, không bao giờ chuyển sang ung thư. Polyp do viêm (giả polyp) thường gặp ở những bệnh nhân bị bệnh viêm loét đại tràng không đặc hiệu, như bệnh Crohn hay viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Juvenile polyp: Thường là những polyp đơn độc, có cuống, xung huyết, đinh có loét và hay gây chảy máu. 3/4 juvenile polyp tìm thấy ở trẻ em ở lứa tuổi 4 -14 tuổi.
Adenoma là loại polyp hay gặp nhất (85%). Người ta quan tâm nhiều đến loại polyp này vì nó có nhiều khả năng chuyển thành ung thư. Những vùng bệnh nhân có polyp đại tràng đều phải được nội soi để cắt bỏ sớm, thì tỷ lệ ung thư đại tràng giảm hắn.
Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, uống rượu, hút thuốc lá, sẽ làm tăng tỷ lệ xuất hiện adenoma.
Đa số polyp không có triệu chứng. Khi xuất hiện một số triệu chứng như đi ngoài có máu thì có nghĩa khi polyp đã to và gây biến chứng chảy máu, hoặc nếu người bệnh gầy sút, thiếu máu thì đó là dấu hiệu polyp đã chuyển thành ung thư.
Phương pháp duy nhất cho phép phát hiện các polyp, khi chúng có kích thước chỉ vài mm, là phương pháp nội soi ống mềm. Qua nội soi, người ta không chỉ nhìn thấy các polyp mà còn tiến hành sinh thiết để chẩn đoán polyp lành tính hay ác tính và tiến hành cắt bỏ polyp. Những polyp có kích thước trên 5mm, không cần sinh thiết trước, mà có thể cắt polyp ngay rồi gửi toàn bộ polyp đi xét nghiệm. Cắt polyp qua nội soi là một thủ thuật khá đơn giản, bệnh nhân có thể cắt ngoại trú mà không cần nằm viện.
Những bệnh nhân sau khi đã cắt polyp phải được nội soi định kỳ, để phát hiện sự xuất hiện các polyp mới. Theo báo cáo của hội tiêu hóa Mỹ, có tới 30 - 50% bệnh nhân sau cắt polyp tìm thấy polyp lại mới, và người ta còn nhận thấy rằng những người có nhiều polyp (3 - 5 chiếc) dễ bị tái phát. Những bệnh nhân có polyp, khi cắt đường kính trên 2cm, không cuống, thì phải soi kiểm tra 2 - 6 tháng một lần để xác định đã cắt hết hẳn chưa. Những polyp nhỏ dưới 1cm phải soi kiểm tra 5 năm một lần. Thời gian trung bình để một adenoma chuyển thành ung thư khoảng 7-10 năm.
Phải đảm bảo chế độ ăn có đủ dinh dưỡng nhưng hạn chế các chất béo, mỡ động vật, ăn nhiều rau quá tươi có nhiều chất xơ, không uống nhiều rượu và hút thuốc lá. Khi thấy đi ngoài có máu trong phân phải đi nội soi đại tràng ngay để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.