Phát hiện sớm lồng ruột ở trẻ em để cứu chữa kịp thời

557 19/08/2019
Skhoe24h.com - Bé đang bình thường khỏe mạnh bỗng khóc thét từng cơn, nôn ra thức ăn, đi ngoài ra máu - Hãy đưa ngay đến bệnh viện, bởi rất có thể con bạn đã bị lồng ruột. Lồng ruột là một đoạn ruột chui vào trong lòng một đoạn ruột tiếp theo....

Lòng ruột ở trẻ em

Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là một đoạn ruột chui vào trong lòng một đoạn ruột tiếp theo.

Đây là một cấp cứu ngoại khoa, rất thường gặp ỏ trẻ nhỏ. Theo thống kê y học, tỷ lệ trẻ em bị lồng ruột khoảng từ 2,5 - 4 phần nghìn trên trẻ sinh ra sống. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở lứa tuổi 5 - 9 tháng. Chỉ có 10 - 15% là ở trẻ lớn hơn 2 tuổi. Lồng ruột hay gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, tỷ lệ gặp trẻ em trai là 60 - 70% và thường gặp ở những trẻ em bụ bẫm, khỏe mạnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Nguyên nhân gây ra bệnh lồng ruột

Đại đa số các trường hợp (chiếm tới 90%) trẻ em bị lồng ruột tiên phát, cho đến nay vẫn còn chưa biết rõ nguyên nhân. Có một số giả thuyết cho rằng là do kích thước của ruột có sự mất cân đối, hoặc do quá sản tế bào lympho, do polip, do viêm đường hô hấp trên và viêm ruột thường xảy ra trước khi trẻ em bị lồng ruột...

Biểu hiện của lồng ruột

Bệnh thường xảy ra rất đột ngột và có những biểu hiện rất sớm, ngay sau khi bị bệnh.

Đau bụng: chiếm tỷ lệ 84%, thể hiện là trẻ kêu khóc, khóc thét từng cơn có khi khóc lặng tái người, xuất hiện rất đột ngột, trẻ đau bụng dữ dội, ưỡn người, trẻ nhỏ co 2 chân về phía bụng. Trẻ bỏ bú, bỏ chơi. Nếu lỡ xảy ra vào ban đêm, trẻ bỗng thức giấc khóc thét. Đau bụng thường diễn ra từng cơn kéo dài 4 - 5 phút và cách nhau khoảng 10-20 phút, có lúc hơi dịu đi, trẻ bú ít nhưng lại đau tiếp làm trẻ mệt lả, nằm lịm đi, vã mồ hôi.

Nôn: nôn ra thức ăn xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên chiếm tỷ lệ 90%, vì khi trẻ bị lồng ruột gây ra tắc ruột hoặc bán tắc. Lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch xanh, và nếu để càng lâu trẻ sẽ nôn ra dịch ruột màu vàng. Do nôn nhiều, trẻ lại không ăn uống được nên cơ thể bị mất nước, dẫn đến rối loạn các chất điện giải, làm cho trẻ rất mệt, nằm ly bì hoặc kích thích vật vã...

Đại tiện ra máu: khi mà trẻ đi ngoài ra máu là lồng ruột xảy ra được một khoảng thời gian, do phát hiện muộn. Tuy nhiên, đi ngoài ra máu cũng có thể xuất hiện sớm ở trẻ em nhỏ, do lồng ruột quá chặt. Đa số máu, trộn lẫn với chất nhầy, màu có thể đỏ hoặc màu nâu, có khi có cục máu đông. Do đại tiện ra máu cũng xảy ra ở nhiều trường hợp nên dễ lầm tưởng là cháu bị bệnh lỵ cho uống thuốc chữa lỵ, làm bệnh không những không khỏi mà còn làm cho bệnh nặng hơn. Rồi lúc đến bệnh viện là rất nặng do để quá lâu.

Chẩn đoán lồng ruột

Những chẩn đoán lồng ruột chỉ dựa trên các yếu tố lâm sàng nhiều khi cũng khó khăn, bởi vì không phải trẻ nào cũng có tất cả các triệu chứng điển hình trên, vậy nên với sự hỗ trợ của X quang và siêu âm, đặc biệt là siêu âm, có thể chẩn đoán lồng ruột rất chính xác.

Điều trị lồng ruột

Về điều trị, hiện giờ phương pháp tháo lồng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới là bơm không khí, dưới một áp lực nhất định, qua hậu môn để đấy chỗ ruột lồng ra.

Ngoài ra, có thể dùng các phương pháp khác như dùng chất cản quang borit, hoặc dùng nước muối sinh lý (9%) để tháo lồng dưới sự kiểm tra của siêu âm, tỷ lệ thành công của những phương pháp này là khoảng 80 - 90%. Tuy vậy, 10 - 20% các trường hợp vẫn phải phẫu thuật để tháo lồng, do chỗ lồng quá chặt, không tháo được bằng những phương pháp trên, hoặc do trẻ đến viện đã quá muộn.

Khi lồng tắc ruột được phát hiện muộn, khối ruột lồng bị hoại tử, làm thủng ruột, viêm phúc mạc. Lúc đó, phẫu thuật không những chỉ tháo lồng, mà nhiều khi còn phải cắt một đoạn ruột đã bị hoại tử và có thể nguy hiểm đến tính mạng.


Tags: lồng ruột, tiêu hóa, trẻ sơ sinh, trẻ em,



Bài liên quan