Đại hoàng - Đặc tính, công dụng và phương thuốc trị liệu

825 18/05/2019
Skhoe24h.com - Đại hoàng là một vị thuốc hạ phẩm trong Thần nông bản thảo kinh. Chủ trị tiêu tan tụ huyết, có thể chữa chứng tắc kinh ở nữ giới, phát sốt, sợ lạnh, khối u tích tụ....

ĐẠI HOÀNG

(Vị thuốc hạ phẩm trong Thần nông bản thảo kinh)

Đại hoàng - Đặc tính, công dụng và phương thuốc trị liệu

Giải thích tên gọi Đại hoàng

Đại hoàng thuộc nhóm thực vật thân cỏ, sống lâu năm, họ rau răm. Cây có màu vàng, nên được gọi là đại hoàng. Người ta thường đào hái vào cuối mùa thu khi lá khô héo, hay mùa xuân năm sau trước khi nó nảy mầm, bỏ rễ và vỏ ngoài, cắt thành từng mảnh hay từng đoạn, phơi khô để dùng.

Đặc tính của Đại hoàng

Đại hoàng vị đắng, tính hàn. Chủ trị tiêu tan tụ huyết, có thể chữa chứng tắc kinh ở nữ giới, phát sốt, sợ lạnh, khối u tích tụ. Nó còn có thể loại trừ những cặn bã thức ăn tích tụ trong dạ dày, có công dụng tái tạo cái mới, thông lợi thủy cốc, điều hòa ngũ tạng, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa.

Vì đại hoàng vị đắng có thể hạ khí, tính hàn có thể tả hỏa, nên ngoài công dụng tiêu nhiệt thông tràng, có thể trị chứng đau bụng do táo bón, hàm lượng dịch vị quá cao, tiêu hóa kém, nó còn có công hiệu chữa tả lỵ do thấp nhập, đại tiện không thông. Đại hoàng tính hàn nên khi vào máu, có thể lương huyết, vì thế nó có công dụng thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết giải độc, phần lớn được dùng để chữa chứng nôn ra máu do huyết nhiệt vọng hành gây nên. Đại hoàng còn có công dụng hành tụ phá tích, có thể chữa được nhiều chứng bệnh do máu tích tụ gây ra như: Tắc kinh, ứ máu, sưng đau, vết thương bầm tím... Cho nên trong cuốn Bản kinh, người ta dùng tính năng “hạ tụ huyết” của nó để chữa “tắc kinh”, “u nang buồng trứng, tích tụ; tiêu hóa kém”. Trong Bản thảo cương mục có ghi: “Nó được dùng để chủ trị kiết lỵ phân trắng đỏ, đau bụng cấp, tiểu dầm, thấp nhiệt táo kết, người nóng ran mê sảng, vết bỏng, hoàng đản.”. Đây chính là khẳng định lại công hiệu chữa trị của đại hoàng.

Đại hoàng có công hiệu chữa bệnh vô cùng lớn, hiệu quả nhanh, cho nên nó được mệnh danh là “tướng quân”. Tương truyền, nhà thơ Viên Mai thời Thanh có lần mắc phải trọng bệnh, cầu cứu mời danh y  khắp nơi mà cũng vô hiệu, về sau tình cờ gặp được phương thuốc đại hoàng của viên quan chức lang trung trên phố, chỉ chưa đầy 3 tháng thuốc bệnh đã khỏi hoàn toàn. Ông đã sáng tác một bài thơ mừng đại hỷ có vần sau: “Dược khả thông thần tín bất vu, tướng quân cánh cứu bạch vân phù” (Thuốc rất thần thông thật đáng tin, tướng quân cứu được sống bạc đầu).

Đại hoàng vốn là dược liệu tính vị đắng, hàn, nhưng được các nhà y học qua các triều đại phong làm vị thuốc kéo dài tuổi thọ. Hơn nữa, đại hoàng có công dụng bồi bổ phần nào, hoàn toàn do công dụng thanh nhiệt thông tráng quyết định. Đại hoàng có thể duy trì đại tiện thông, giải độc tố thoát ra khỏi cơ thể, từ đó làm cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ. Đúng như Vương Sung thời Đông Hán đã nói: “Dục đắc trường sinh, tràng trung thường thanh; nhược yếu bất tử, tràng trung vô tra” (Có ham sống lâu, trong phải sạch. Nếu không muốn chết, trong tràng phải không có chút cặn bã nào).

Y học hiện đại đã nghiên cứu cho thấy, đại hoàng có chứa các thành phần hữu ích như: Chrysophanol, tamin, có thể kích thích sự nhu động của ruột già, có tác dụng thông tiện. Ngoài ra, nó còn có công hiệu cầm tả, kháng khuẩn, kiện vị, lợi mật. Nhưng do đại hoàng dễ làm tổn thương đến chính khí, nên tuyệt đối không dùng nhiều. Lượng dùng thông thường là 3 - 12g, phụ nữ mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú đều không nên sử dụng.

Khái quát công dụng của Đại hoàng

Trị các chứng bệnh do máu tích tụ gây ra như: Tắc kinh, sưng đau, vết thương bầm  tím.

Trị các chứng bí tiện, đau bụng, thực tích đình trệ trong dạ dày, ruột nhiệt nóng không giảm, cũng có tác dụng rất tốt đối với bệnh tả, lỵ do thấp nhiệt, đại tiện không thông.

Trị kiết lỵ phân trắng đỏ, đau bụng cấp, tiểu dầm, thấp nhiệt, táo kết, người nóng ran mê sảng, vết bỏng, hoàng đản.

Kích thích sự nhu động hoạt động của ruột già, có tác dụng thông đại tiện rất tốt, ngoài ra còn có công hiệu cầm tả, kháng khuẩn, kiện vị, lợi mật.

Phương thuốc trị liệu của Đại hoàng (tham khảo)

Trị nôn ra máu, chảy máu cam, thiếu hụt khí trong tim

62g đại hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, mỗi loại 31g. Các loại thuốc trên sắc với 3 lít nước lấy 1 lít, uống khi còn nóng.

Trị thương hàn, dưới ngực căng tức mà không đau

Lấy 62g đại hoàng, 31g hoàng liên. Các loại thuốc trên ngâm với nước chi ma đun sôi, ngâm một lúc rồi chắt lấy nước bỏ bã. Chia làm 2 lần, uống nóng.

Trị lưng, chân đau do thời tiết

Lấy 62g đại hoàng, cắt nhỏ, thêm vào một chút bơ rồi sao khô, không được sao cháy, giã nát rồi dần qua sàng. Mỗi lần dùng 6g với nước gừng khi đói.

Trị trong bụng kết hòn

Lấy 62g đại hoàng, 31g phác tiêu. Các loại thuốc trên tán nhỏ, hòa với tỏi giã thành dạng cao, bôi lên bụng chỗ kết hòn.

Trị các chứng bệnh viêm nhiệt ở trẻ nhỏ

Lấy đại hoàng (nướng chín), hoàng cầm, mỗi loại 3g. Các loại thuốc trên tán nhỏ, thêm mật vào đun lên chế thành những viên nhỏ. Mỗi lần dùng 5 - 10 viên với nước mật.

Trị bệnh lậu

Lấy đại hoàng nghiền nát, mỗi lần dùng 1,8g, nhét vào lỗ quả trứng, trộn đều rồi chưng chín. Dùng khi đói, sau 3 lần sẽ thấy hiệu quả.

Trị táo bón

Lấy 31g đại hoàng, 7,8g cam thảo. Các loại thuốc trên đun với 1 lít nước, lấy 500ml nước thuốc, uống khi còn nóng.

Trị bệnh sa nang ở nam giới

Lấy đại hoàng tán thành bột rồi trộn với giấm bôi lên chỗ vết thương, khi thuốc khô thì thay thuốc khác.

Trị hoa mắt, đau đầu, chóng mặt

Lấy đại hoàng sao lên với rượu, tán nhỏ, dùng 6g với nước trà.

Trị khoang miệng lở loét

Lấy đại hoàng, phèn chua, mỗi loại một phần, tán nhỏ, bôi lên răng, rồi súc miệng.

Nguồn: Thần Nông bản thảo kinh

Tags: dại hoàng, hạ phẩm,



Bài liên quan