Các danh y cổ đại Trung Quốc rất nhiều người là bác học, họ không những tinh thông y học mà đối với các khoa học khác họ cũng có trình độ cao. Từ Đại Xuân thời nhà Minh chính là một trong những người kiệt xuất đó. Ngoài y học ra ông còn rất am hiểu văn học, triết học, âm nhạc, thư pháp, hội họa và công trình thủy lợi. Ông đọc thuộc các y điển cổ đại nhưng không khăng khăng theo các phương pháp chữa bệnh đời xưa. Ông dám tùy người tùy bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị thiết thực để giành lấy cuộc sống từ tử thần về cho bệnh nhân. Vì thế, ông là nhà y học dám sáng tạo ra cái mới.
Từ Đại Xuân sinh ở Thư Hương Môn Đệ, là người huyện Ngô Giang - Tô Châu, ông sinh năm thứ 32 Thanh Khang Hy (năm 1623). Ông cố, ông nội và cha ông đều là những người có học vấn cao. Từ Đại Xuân lúc nhỏ rất gầy yếu, mỗi ngày chỉ học được mấy hàng chữ, nếu học nhiều cũng bị quên đi rất nhanh, điều đó làm cho cả nhà hết sức lo lắng.
Một hôm, bạn của cha ông đến nhà chơi, có đề nghị với cha ông như thế này: “Theo tôi, hằng ngày thử tập cho cháu nâng các hòn đá, làm như vậy có thể nâng thể chất của cháu lên tốt hơn".
Thật không ngờ, nâng đá đã làm cho cơ thể của Từ Đại Xuân ngày một rắn chắc hơn. Sau hai năm luyện tập, Từ Đại Xuân có thể nâng được hòn đá nặng hai, ba trăm cân (từ 100 - 150 kg); và cơ thể cũng trở nên cường tráng hơn, trí nhớ cũng tốt hơn, thành tích học tập thơ văn cũng giỏi hơn.
Năm Từ Đại Xuân 20 tuổi, ông thi đỗ tú tài. Người nhà đều mong muốn ông tiếp tục đèn sách để mưu cầu công danh, nhưng Từ Đại Xuân không thích văn tế và có lẽ cũng vì thế mà ông không coi trọng công danh phú quí. Ông còn làm bài ca đặc biệt để chế giễu: “Người đi học, học chẳng đủ, văn tế thối, thối như bùn, quốc gia bản vị tìm tài kế, ai biết trở thành lừa nhân kế. Ba câu thừa đề, hai câu phá đề, vẫy đuôi lắc đầu, trở thành thánh môn cao đệ...".
Sau này khi đến buổi thi, trên tờ giấy thi, Từ Đại Xuân lại làm hai câu thơ ý như sau: Từ Đại Xuân ta không phải là người bình thường, làm sao lại cùng chung với bọn theo đuổi công danh tìm bổng lộc được”.
Quan Giám khảo đọc được rất bực tức và mắng: “Đồ tiểu tử ngông cuồng" rồi bẩm báo lên tỉnh xóa bỏ bằng tú tài của Từ Đại Xuân.
Không ngờ Từ Đại Xuân không hề để ý đến sự việc đó, ngược lại còn cảm thấy rất thoải mái. Từ đó ông dành nhiều thời gian đọc sách nghiên cứu các học vấn có tính thực dụng, ông thích đọc các loại sách về thiên văn, địa lý, lịch pháp, số học, y học, thơ văn, thư họa cho đến kỹ thuật; nhưng cuối cùng ông chuyên tâm nghiên cứu học tập y học vì việc này có liên quan đến một loạt những sự việc bất hạnh xảy ra trống gia đình ông.
Có một năm, người em trai thứ ba của ông bị bệnh nặng, cha ông đã mời rất nhiều danh y đến khám và chữa bệnh nhưng không hiệu quả, cuối cùng đã chết sớm. Không lâu sau người em trai thứ tư và thứ năm cũng tiếp nhau mắc bệnh, chữa chạy không khỏi rồi cũng lần lượt ra đi. Ba đứa con lần lượt ra đi đã làm cho cha mẹ ông vô cùng đau đớn tuyệt vọng và cũng lâm bệnh nặng.
Biến cố to lớn trong gia đình khiến ông cảm nhận sâu sắc sự quan trọng của y học, ông nói: “Sinh và tử là những việc trọng đại nhất của con người. Vương công quí tộc, anh hùng hào kiệt có thể xoay chuyển tình thế nhưng không thể bảo đảm bản thân mình không mắc bệnh. Có bệnh rồi chỉ còn đem cái sống cái chết của mình giao phó cho thầy thuốc. Trách nhiệm của thầy thuốc quả là quá lớn”.
Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu y học và đã trở thành một danh y nổi tiếng.